Phòng chống cháy nổ là một yêu cầu bắt buộc với các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng. Vậy, với dạng công trình nhà thép tiền chế, các biện pháp chống cháy nào thường được áp dụng. Cần lưu ý những gì khi trang bị thiết bị, vật liệu phòng chống cháy nổ cho nhà thép tiền chế?
Sơn chống cháy cho nhà khung thép
Sơn chống cháy là loại sơn chuyên dụng thường được sử dụng cho kết cấu thép thi công nhà thép tiền chế. Sơn chống cháy có một số ưu điểm như: thời gian khô nhanh, không chứa chì hoặc thủy ngân nên tương đối an toàn cho người sử dụng.
Về khả năng chống cháy, ở nhiệt độ từ 200 – 250 độ C, lớp sơn này sẽ sản sinh ra phản ứng hóa học, nở ra và phồng lên dưới tác động của nhiệt, tạo một lớp không khí ngăn giữa kết cấu thép với nhiệt độ cao từ đám cháy. Nhờ đó, kết cấu thép ở phía trong không bị biến dạng, gãy đổ, giúp kéo dài thời gian thoát hiểm, sơ tán hàng hóa, máy móc, tạo điều kiện cho công tác cứu hỏa, giảm thiệt hại về người và của.
Tấm chống cháy chuyên dụng
Lắp đặt tấm chống cháy là một trong những biện pháp phổ biến được sử dụng trong phòng cháy chữa cháy cho nhà thép tiền chế. Hiện nay, hai vật liệu được ứng dụng rộng rãi là tấm thạch cao chống cháy và tấm Panel chống cháy.
Tấm Panel chống cháy có cấu tạo 3 lớp với lớp lõi được thiết kế đặc biệt giúp gia tăng thời gian chống cháy lên tới hơn 2 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, vật liệu này có thể thi công và tháo lắp vô cùng dễ dàng, tiện lợi. Đồng thời, tấm Panel có độ bền cao và khả năng chịu sức nén tốt, chịu được các va đập mạnh nên có thể tái sử dụng nhiều lần.
Tấm thạch cao chống cháy được cấu tạo bởi lớp lõi gồm hỗn hợp thạch cao thiên nhiên, sợi thủy tinh và phụ gia microsilica. Các thành phần này giúp vật liệu có hệ số dẫn nhiệt thấp. Tùy vào độ dày và số lượng tấm thạch cao được lắp đặt mà chúng có khả năng chống cháy dao động trong khoảng từ 60 – 120 phút và có thể lên đến 240 phút.
Bọt chống cháy
Bọt chống cháy có mức giá thấp hơn sơn chống cháy, nhưng vẫn có thể đảm bảo bảo vệ kết cấu thép. Tuy nhiên, việc phun bọt chống cháy khiến bề mặt thép sẽ trở nên xù xì, mất thẩm mỹ. Cùng với đó việc phun bột chống cháy cũng bất tiện hơn so với các phương án khác do quá trình thao tác không thể kết hợp thực hiện cùng các công việc khác mà phải phun riêng để đảm bảo an toàn. Thông thường, các công nhân thực hiện phun bọt chống cháy cần phải mặc quần áo bảo hộ và đeo mặt nạ phòng độc.
Lắp đặt hệ thống báo cháy tự động
Các công trình nhà khung thép tiền chế dù được xây dựng thành nhà ở, văn phòng, công ty,… đều cần phải lắp đặt hệ thống báo cháy tự động. Hệ thống báo cháy giúp phát hiện đám cháy và nhanh chóng lan truyền tín hiệu báo cháy trong thời gian sớm nhất.
Toàn bộ các yêu cầu của hệ thống báo cháy tự động trong tòa nhà, văn phòng cần phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3890:2009. Đồng thời, trong quá trình sử dụng, cần thường xuyên kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống này và bảo dưỡng định kỳ tối thiểu 2 lần/ 1 năm để chắc chắn chúng luôn hoạt động ở trạng thái tốt nhất.
Trang bị bình cứu hỏa
Đây không chỉ là yêu cầu đối với nhà khung thép tiền chế mà là quy định chung cho công trình nhà dân dụng. Bình chữa cháy là một thiết bị phòng cháy chữa cháy được sử dụng để dập tắt hoặc kiểm soát các đám cháy nhỏ trong các tình huống khẩn cấp. Một bộ bình chữa cháy bao gồm hai thiết bị là bình dạng bột và bình dạng khí CO2. Những nơi đã được bố trí hệ thống chữa cháy tự động vẫn phải lắp đặt thêm bình chữa cháy xách tay để tạo sự an toàn tối đa khi xuất hiện cháy nổ.
Với các công trình nhà thép tiền chế cao tầng có quy mô, diện tích lớn, các bình chữa cháy thường nên được phân bố một cách khoa học, đặt tại những vị trí dễ thấy, dễ thao tác. Đồng thời, mật độ lắp đặt bình chữa chạy thường nằm trong khoảng từ 50 – 150m2/bình cũng cùng những khu vực có khả năng cháy nổ lớn.